Lịch sử Thánh địa Cát Tiên

Toàn cảnh khu di chỉ khảo cổ tiền sử Phù Mỹ nằm trong phạm vi Thánh địa Cát Tiên.

Bên tả ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng là một số gò đồi và bãi sa bồi. Từ lâu tại vùng đất này, người dân đã nhặt được các di vật là những tượng đá, những bộ sinh thực khí linga, yoni, các mảnh gốm và gạch ngói vỡ v.v. nhưng không ai biết gì về chúng. Mãi đến khi qua những phát hiện tình cờ trong chuyến đi điền dã điều tra về dân tộc học của cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng tại vùng quê vào này năm 1985, và các nhà khảo cổ học gọi vùng đất này là "Thánh địa Cát Tiên" thì mọi người mới sững sờ[2]

Sau 4 đợt khai quật đầu tiên kéo dài từ năm 1994 đến năm 2000, những phế tích của Cát Tiên dần hé lộ những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất qua hàng chục thế kỷ, và các nhà khoa học bước đầu xác định đây là một đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bàlamôn giáoHindu giáo được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 11. Đây là lần đầu tiên ở Lâm Đồng cũng như ở Tây Nguyên phát hiện được một đô thị tôn giáo, một địa chỉ khảo cổ quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia và những nhà nước cổ đại phương Nam[1], cũng như mối quan hệ của chúng với các nước lân cận.

Góc Tây Nam một phế tích tại gò 2C khu Thánh địa Cát Tiên đang trong quá trình khai quật.

Tuy nhiên, trong 4 đợt khai quật tiếp theo kéo dài từ 2001 đến 2006, khi nghiên cứu những kiến trúc ở Thánh địa Cát Tiên các nhà khoa học lại nhận thấy các đền tháp có kết cấu hoành tráng nhưng giản dị, không cầu kỳ phức tạp như kiến trúc Chămpa và về tổng thể nó vẫn chưa hoàn thiện, không đồng trục, có kiến trúc (2D) trong quần thể phải nối thêm độ dàiđộ dày của tường khá mỏng. Sự hạn chế nhất định trong những kỹ thuật xây dựng nói trên đã mang đến cho các nhà khoa học một thông tin mới: niên đại của Thánh địa Cát Tiên có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8[1], khác với nhận định lâu nay của nhiều nhà khoa học. Ngoài ra, xem xét cẩn trọng các hiện vật như nồi, vò, kendi, vòi kendi, rìu đồng và khuôn đúc, những đồ gốm thuộc giai đoạn Óc Eo sớm, đặc biệt là loại chai gốm cổ cao có nhiều trong các di tích Glimanuk, PlawanganIndonesia thuộc niên đại từ những thế kỷ đầu công nguyên, được tìm thấy ở thánh địa, cùng với việc phân tích các mẫu than lấy từ lòng tháp ở độ sâu gần 3m, đưa đi phân tích đồng vị phóng xạ cacbon C14 tại Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần củng cố chắc chắn hơn giả thuyết này.

Ý kiến về chủ nhân của thánh địa vẫn còn trong vòng tranh cãi. Nhiều khả năng trong quá khứ, đây hoặc là một tiểu quốc của Phù Nam, một vương quốc với cương vực trải dài từ đồng bằng Nam Bộ đến Phú Khánh cũ, hạ Lào, Campuchia; hoặc cũng có thể là một quốc gia riêng từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp. Thánh địa này khá sầm uất khi nằm trong mạng lưới của con đường thương mại từ Đông sang Tây phát triển khá mạnh vào khoảng thế kỷ 3 và/hoặc thế kỷ 4, nhưng sau đó suy tàn dần khi con đường này dịch chuyển sang vùng biển Malacca từ cuối thế kỷ 5[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thánh địa Cát Tiên http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/CAT-TIEN-a252.h... http://web.archive.org/web/20041220054649/http://w... http://web.archive.org/web/20070929092938/http://w... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=2... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www.dalat.gov.vn/web/baolamdong/tabid/572/A... http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428... http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsI... http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=40&i...